Vàng On - Mùa sông mây cuộn chảy

Thứ hai, ngày 20-12-2021, 14:47
Từ trung tâm xã Trung Minh lên hướng Bắc là giáp với xã Linh Phú của huyện Chiêm Hoá, về hướng Nam là sang xã Kim Quan và Tân Trào của huyện Sơn Dương. Vào những năm đầu của cuộc cách mạng, trong thời khắc lịch sử diễn ra sự kiện Đại hội II tại xã Kim Bình, huyện Chiêm Hoá, trên con đường này, hay ngọn núi kia và cả dòng suối nơi đây. Mảnh đất Trung Minh này đã chứng kiến những bước chân không ngơi nghỉ, của những người con ưu tú trong cuộc cách mạng của Việt Nam và Quốc tế đã từng đi qua nơi đây.

 

Trong một chuyến đi du lịch trải nghiệm, mấy anh em tôi vào quán nhỏ bên đường để hỏi thăm lên bản Vàng On (1) anh thợ sửa xe người Mông, Giàng A Hoa bảo: “mấy hôm trước mưa to, đi trơn lắm đấy”, anh bạn tôi hỏi: “nếu đi bộ thì mất bao nhiêu thời gian nhỉ”, anh nói: “đi cũng mất hơn một tiếng thôi, thế anh đi lên đấy tìm cái gì”, tôi trả lời: “à, thấy có người nói trên ngọn đèo cao có sông mây nên muốn lên xem có đúng không”, anh đáp: “ừ, có sông mây thật đấy, tôi cũng đang chuẩn bị lên thăm đứa cháu, có người nhắn, nó bị ốm”, mấy anh em mừng rỡ: “may quá, có quý nhân phù trợ rồi”. Nhờ anh rủ thêm người đưa chúng tôi lên đèo. Khi đã ngồi trên yên xe máy, anh bảo “bám chặt nhé, từ đây lên đến đỉnh đèo phải nửa tiếng đồng hồ”. Bắt đầu cuộc hành trình, mấy chiếc xe máy bám theo nhau, từ đường nhựa rẽ đi thôn là đường đất, những đoạn khó đi cắt ngang qua suối đã có cầu tràn bê tông. Trận mưa mấy hôm trước làm mặt đường khá trơn, dốc và gồ ghề, có chỗ nước ngập đến tận chỗ để chân, phải xuống xe cuốc bộ. Vừa đi bộ vừa ngắm cảnh mới thấy sự thú vị của miền sơn cước. Dòng sông Phó Đáy cuộn chảy từ huyện Chợ Đồn của tỉnh Bắc Kạn sang. Con đường đất vòng vèo, bám theo triền núi dốc, một bên là sông, sườn núi dựng đứng, nếu nhìn từ mép đường, thấy dòng nước sâu hút như sát vào chân mình, một bên là vách núi như bức tường đá, có những phiến đá phẳng như có ai cố tình mài nhẵn. Trên đường đi, lúc đầu đường với sông còn gần bên nhau, nhưng càng lên cao con sông càng trở nên xa tắp. Lên đến đỉnh đèo, cả dòng sông chỉ còn vài khúc nhỏ nằm chìm khuất dưới thung lũng tận chân núi xa. Lên đến đỉnh Đèo Ải là một bản nhỏ, chỗ này cách trung tâm xã khoảng 9 km, không xa nhưng cao đến tận lưng trời. Đứng ở chỗ này như là nơi giao thoa giữa trời và đất. Trên kia là cả bầu không gian xanh biếc, những đám mây trắng xếp thành từng lớp, có lúc xà xuống như sắp chạm đỉnh núi, rồi mây lại theo gió trải dài, xa tắp đến tận cuối trời. Dưới kia là những ngọn núi điệp trùng, khoác lên mình một màu xanh thẫm của rừng. Hai bên bờ sông, những ngôi nhà rải rác nằm dưới chân của những ngọn núi thấp. Ở giữa lưng chừng núi có vài ngôi nhà nằm cheo leo lẫn vào những đám cây rừng, xung quanh thấp thoáng những thửa ruộng bậc thang vừa gặt, còn trơ gốc rạ vàng. Bản nhỏ này có hơn hai chục nóc nhà, chủ yếu là đồng bào Mông, Dao sinh sống. Những ngôi nhà gỗ xinh xắn nằm cạnh ven đường, có nhà nằm lẫn vào trong những đám ruộng. Làn gió nhẹ đung đưa những chiếc lá trên thân cây cọ già. Cây cọ như thần làng giữ bản, giơ những tay gai nhọn hoắt ra để bảo vệ những người con sinh sống trên mảnh đất này.

Vào những buổi sớm mai, lúc tiết trời đang chuyển dần sang đông, trên đỉnh ngọn Đèo Ải, dòng sông mây trắng bạc chầm chậm dâng lên từ dưới thung lũng và lơ đãng, êm trôi theo chiều gió lạnh. Những tia nắng sớm đang rực lên phủ khắp núi đồi, sông mây dâng cao lên đến tận đỉnh núi. Đầu đông, những cơn gió đỏng đảnh khi vui thì ào ạt xô đuổi dòng mây, lúc hờn dỗi thì cuộn xoáy từ bờ núi này, sang sườn núi kia, khi buồn thì cuộn lại rồi trôi về cuối bản xa. Vào những ngày hanh ráo mây cứ lẳng lặng đứng yên, mặc cho ánh nắng mơn man rồi từ từ tan biến. Phía dưới, sông Phó Đáy đang dần hiện rõ dưới đám mây mờ. Dòng nước xanh vẫn miệt mài xuôi chảy, khi vòng qua chỗ này, những hòn đá giữa dòng nhô đầu lên khỏi mặt nước, làm đoạn sông vỡ ra những mảng màu trắng bạc.

Cậu trưởng bản còn trẻ và khá đẹp trai Giàng Seo Mùa dẫn chúng tôi đi thăm một vòng quanh bản, xem những vạt nương ngô, thăm những đám ruộng bậc thang, những thửa ruộng mảnh mai chạy men theo khoanh núi, từ cao dần xuống thấp. Tôi hỏi Mùa “bản mình có nhiều ruộng, nương không”, anh trả lời “ở bản có 21 ha đất ruộng, gần 20 ha đất màu trồng các cây rau, quả nữa”, tôi bảo “vậy à, ở đây có bao nhiêu hộ gia đình”, Mùa nói “bản mình có 101 nhà, 491 người, chủ yếu là người Mông, có mấy nhà người Dao, người Tày thôi”, tôi nhẩm tính, như vậy mỗi hộ cũng gần 5 khẩu với khoảng 0,4 ha đất, mỗi người có 835 m2 đất nông nghiệp, vậy là cũng đủ đất sản xuất. Tôi hỏi ngay “dân mình có khó khăn lắm không”, Mùa trầm ngâm đáp “nhà ở thì giúp nhau làm hết rồi, không có ai đói đâu, hộ nào khó lắm thì nhà nước cũng giúp mà. Còn xe máy thì nhà ai biết đi cũng có, nhưng chỉ thiếu thứ khác thôi”. Rồi Mùa đột ngột hỏi “các anh có muốn đi xem đá thần trên núi không”, tôi liền hỏi “đá à, có xa lắm không”, anh bảo “không xa mấy đâu, một lúc thôi, đá to thế mà ngồi được lên đầu nhau đấy”. Một chút nghi hoặc xen lẫn tò mò, tôi gật đầu “thật à, ừ thì đi” rồi mấy anh em rảo bước theo hướng tay anh chỉ. Đi theo con dốc thoai thoải, gồ ghề những thân đá nửa chìm nửa nổi, Mùa dang hai tay hướng về trước mặt nói “bên này là của Bắc Kạn, bên kia là đất Thái Nguyên đấy”. Quãng đường vừa đủ thử thách với độ dẻo dai của đôi chân, “một lúc” của anh bằng một phần ba giờ leo bộ, nhưng càng đi càng thấy nhiều thú vị.

Giữa lưng chừng núi xuất hiện những khối đá màu nâu xám, cao bằng bốn đầu người nối với nhau, chúng có hình thù khá vui mắt, không có hòn nào giống hòn nào. Các tảng đá được xếp chồng lên nhau như toà tháp, nhìn từ xa như khối đồ chơi của người khổng lồ. Ngồi trên cùng là hòn đá tròn vát nhọn, như đỉnh của ngọn núi cao, mũi đá hiên ngang chĩa thẳng lên bầu trời.

Hình như những hòn đá này được tạo hoá khéo léo kê, đặt lên nhau trong lúc Ngài đang phấn khích. Đá cứ chênh vênh, lặng im đứng giữa trời sương gió. Lớp da ngoài bị mưa, gió bào mòn đi theo năm tháng, các góc cạnh cũng mờ dần không còn sắc nhọn, vệt thời gian cứ lặng lẽ in dần vào thân đá. Dù đứng chông chênh giữa núi, dù mưa tuôn hay gió quất nhưng đá vẫn bình thản, lặng im, kiên gan giữa trời mưa nắng, như tự nghìn đời nay vẫn thế. Hẳn đá cũng cất giấu trong mình biết bao những điều bí mật. Và đá cũng gìn giữ mảnh đất này luôn được bình yên dưới trời mây xanh biếc. Tôi bảo Mùa “đẹp nhỉ, bà con mình có hay đến đây xem đá không”, Mùa chỉ tay vào hòn đá trên cùng nói “anh nhìn xem, đây là mồm ông Cóc đấy, ông bảo vệ người mà”, tôi chăm chú nhìn theo và gật đầu “ồ, đúng là như một cụ Cóc thật”. Mùa lại nói “ngày xưa có Gà trống vàng đậu ở đây, buổi sáng gà gáy một tiếng, cả vùng núi xa tận bên kia đều nghe thấy đấy”, tôi gật đầu tán thưởng, đúng vậy, chỗ này là nơi giáp ranh ba tỉnh mà.

Anh biết không, người già tại bản Vàng On này vẫn lưu truyền cho con cháu nghe câu chuyện về Gà Thần, chuyện kể rằng: “Thủa xưa, vùng núi đá cao và xa xôi này có một dòng họ người Mông, khi bị giặc cướp phá họ phải rời bỏ nơi ở đi tránh giặc. Họ cứ hướng theo phía mặt trời lặn rồi mải miết chạy. Họ đi mãi, khi thì băng qua những cánh rừng rậm rạp, lúc phải xuôi theo những đoạn sông sâu, vượt dòng thác dữ. Đi mãi, khi đi đến vùng đất này thì trời tối, họ dừng chân nghỉ lại để ngày mai tiếp tục lên đường. Gặp mỏm đá lớn ở giữa lưng chừng núi chắn được gió, che được mưa nên tất cả trẻ già, lớn bé đều chui vào dưới mỏm đá ngủ tạm qua đêm. Họ không biết đó là hòn Đá Kê, nơi Gà Trống vàng thường bay xuống, đậu trên mỏm đá trong những buổi sáng tinh sương. Gà Trống vàng là vị Thần của dãy núi Hùng Minh được Ngọc Hoàng cử xuống để bảo vệ người dân sinh sống từ chỗ thung lũng thấp, lên đến tận núi cao biên ải. Buổi sáng ấy, Gà Thần cất giọng gáy vang, tiếng vọng bay ra khắp núi rừng. Thần gọi ánh bình minh xua tan những cơn gió lạnh, gọi ánh nắng mặt trời rọi chiếu lên dòng sông mây mịt mờ lưng núi. Mọi người giật mình tỉnh giấc, tiểng trẻ con khóc thét lên vì sợ hãi. Gà Thần nhẹ nhàng vỗ cánh bay lên không, lượn vài vòng quanh vùng đất rồi xa khuất sau những rặng núi cao. Người đàn ông trưởng họ biết đây là vùng đất lành. Nơi này sẽ là chỗ trú ngụ của dòng họ mình”.

Trải qua biết bao mùa mưa nắng, Thần đá vẫn ôm ấp, chở che cho mảnh đất Vàng On này luôn được bình yên, no ấm. Vào dịp đầu năm mới, bà con trong bản mặc những bộ quần áo mới, cùng nhau đến hòn Đá Kê để thắp nén hương khẩn cầu, mong một năm mới mọi người được yên lành, không mưa to, gió lớn, ngô thóc chất đầy nhà, trâu ngựa đứng chật chuồng..., Sau khi cúng lễ, mọi người cùng nhau ra vạt nương trống để nghe điệu khèn Mông. Năm nào cũng vậy, vào ngày Tết mọi người dân trong bản lại hẹn nhau để chơi những trò chơi đánh quay, thổi sáo, hát giao duyên… từ đời ông, đời cha truyền lại. Cuối buổi tất cả lại quây quần để được nghe tiếng Khèn của bác Giàng Seo Páo, người con tài năng của bản. Ở bản này, xã này chỉ có tiếng khèn và điệu múa của bác là hay nhất, dài nhất, bác vừa ôm khèn thổi, vừa xoay vòng tròn, đôi chân, cánh tay của bác thật uyển chuyển và nhịp nhàng. Khi tiếng khèn cất lên, những âm thanh dìu dặt của nó như xua tan đi những nỗi lo, bỏ quên mọi nỗi buồn. Tiếng khèn đã ngấm vào máu thịt của những người Mông, họ say sưa nhìn ngắm và trầm trồ thán phục điệu múa của người nghệ nhân tài hoa của bản.

Ở trên đỉnh Đèo Ải mờ sương, người dân của vùng đất sơn cước này cũng dẻo dai như cây rừng, bền gan như đá núi và cần mẫn như những con suối chảy về từ trên đỉnh núi cao, chưa khi nào ngừng nghỉ. Không biết đã bao mùa sông mây cuộn chảy, bấy nhiêu lần mưa giông lở núi, ngập sông, nhưng họ vẫn kiên gan nối tiếp nhau sinh sống trên mảnh đất thân yêu của mình. Những thửa ruộng bậc thang ngày càng rộng xanh màu lá. Nương ngô râu trổ dài thêm những bắp căng tròn.

Điểm trường nằm nổi bật ở ngay giữa bản, mấy lớp học được xây dựng khá khang trang và đẹp mắt. Trong lớp học, các bé trai đang mải mê với những trò chơi xếp hình xanh đỏ. Những cô giáo người Nùng, người Dao đang cùng các em gái bé tập múa, tập hát và trò chơi đuổi bắt. Tiếng nói, cười lanh lảnh của các em làm không gian nhỏ ở đây rộn lên không khí thật vui tươi và ấm áp. “Cô giáo dạy ở đây lâu chưa, nhà cô cũng ở bản này chứ” tôi hỏi: “dạ, mấy đứa em cũng dạy ở đây hơn ba năm rồi, nhà em ở dưới xã, hết tuần mới về anh ạ” cô giáo mỉm cười nói “có lần hai tuần mới về vì đường bị hỏng”, “vậy à cô” tôi nói, “chúng em ở đây quen rồi, thấy yêu nơi này, yêu những đứa trẻ, giờ chả muốn đi đâu nữa”, cô cười. Tôi bỗng thấy một thoảng bùi ngùi qua giọng nói chậm dần và ánh mắt xa xăm của cô giáo người Nùng.

Ánh nắng xuyên qua những đám mây, chiếu những tia sáng thẳng như cây tre mai khổng lồ xuống thung lũng sâu, mặt trời bị những đám mây trên đỉnh núi cao che dần. Chiều bỗng xuống nhanh, không khí lạnh bắt đầu dâng lên, bản nhỏ đã sầm sập tối. Hình như thời gian ở đây cũng bị cong theo chiều trái đất. Mấy lớp học đã tan, những em bé tự mình trở về nhà sau một ngày trên lớp. Các em vừa đi, vừa cười cùng những tiếng vui mừng, líu lo như những chú chim nhỏ. Nhà chỉ cách trường vài phút đi bộ, thấy có người lạ, mấy bé gái xinh xắn, bẽn lẽn nép vào nhau và giơ bàn tay nhỏ nhắn, trắng xinh lên chào đón. Những ánh mắt trong veo, vẻ hồn nhiên và tiếng cười trong trẻo của những đứa trẻ lớn lên trên đỉnh đèo này, làm tôi trào lên niềm mến phục. Mọi thứ, núi rừng, cây cỏ và con người nơi đây thật trong xanh, thanh bình và hiền dịu.

Nghỉ lại ở nhà trưởng bản, căn nhà nhỏ cũng khá đơn sơ, ngọn đèn led chạy bằng pin mặt trời vừa đủ chiếu sáng gian nhà. Bên trong buồng xếp đầy những bao ngô, bao thóc vừa phơi khô. “Nhà chỉ có ba người thôi à” tôi hỏi, “đứa trai lớn đang đi học cấp 1 ngoài xã, còn đứa này cũng sắp xuống xã học rồi” Mùa nói và chỉ tay vào đứa con gái nhỏ. Biết nhà có khách, Chính vợ của Mùa nhẹ nhàng cất tiếng chào, anh chồng bảo vợ “em đi bắt con gà to để mời khách quý nhé” cô vợ “dạ” một tiếng rồi tất tả xuống bếp. Mùa dẫn mấy anh em tôi ra dòng suối nhỏ đầu bản để tắm, mùa này  nước cũng khá lạnh. Về đến nhà thì cơm cũng vừa chín, mâm cơm cũng khá đầy đủ, con gà to xương đen tuyền, đĩa rau cải ngồng luộc, bát canh với những quả bí non đập dập và món rau rừng luộc tươi màu xanh nõn nhằm nhặm đắng. Hú gọi thêm mấy bác cùng bản đến chung vui. Sau vài ngụm rượu ngô pha mật ong, câu chuyện trở nên hào hứng, Mùa nói “năm nay cả bản nhà nào cũng được gặt nhiều lúa, ai trồng ngô cũng chắc hạt”, tôi hỏi “chăn nuôi có được không”, bác Sùng Mí Sài nói “trâu bò hai, ba năm nó lại đẻ con, cũng từ từ lớn thôi”, tôi lại hỏi: “có nuôi được nhiều gà vịt không” bác Vàng Seo Hờ nói “nhiều mà, sáng thì thả nó ra rừng ăn, tối là nó lại về chuồng thôi”. Câu chuyện trong bữa ăn càng thêm rôm rả. Vợ của Mùa phải đứng dậy vài lần để lấy thêm ống rượu, “ở nhà, uống nhiều một tí cũng được mà” cô cười động viên khách, tôi hỏi “mật này là ong rừng rừng hay mình nuôi vậy”, bác Dình bảo “ong rừng cũng có nhưng đi lấy lâu lắm, mật này là dân bản tự nuôi thôi, đến phiên chợ thì mang xuống bán”. Mùa nói giọng ao ước “nếu đường từ xã lên đây được rải nhựa, có điện lưới, có ti vi nữa thì ở đây thích lắm đấy”, mấy bác cũng hùa theo “trên này mà có đủ các thứ ấy thì chả cần xuống xã làm gì”, tôi động viên các bác “cũng không lâu nữa ở đây sẽ có đủ những thứ đó, nhưng cũng phải làm từ từ thôi, vì trên này cao quá”, mọi người cũng vui vẻ, bác Hờ nói “cứ có là được rồi, lâu cũng chờ được mà”. Không nhớ là mấy giờ thì tan cuộc, khi các bác khách ra về thì cơn buồn ngủ cũng ập đến. Đêm trên đỉnh Đèo Ải khá lạnh, quấn tròn tấm chăn vào người và mơ màng ngủ. Gần sáng những tiếng gà trống to, nhỏ gáy vang cả bản. Giật mình tỉnh giấc, một cảm giác vừa lạ lẫm, vừa thân quen ùa đến, tôi tự hỏi “không biết tiếng của chú Gà Trống vàng xưa kia có gáy nhiều như sáng nay không nhỉ”. Bước ra cửa, ánh bình minh đang chiếu xuống những tia nắng chan hoà và ấm áp.

Vào những ngày họp chợ, hay những ngày lễ hội, đồng bào Mông, Dao, Tày, Nùng… ở các thôn trong xã, lại tụ về bãi đất trống cuối chợ, để được nghe những những điệu khèn Mông, những bài hát Cọi và điệu múa mừng Cơm mới. Những bộ trang phục đủ sắc màu. Tiếng hát, tiếng khèn, tiếng sáo… cùng những tiếng cười quấn quýt với nhau. Tất cả những âm, sắc đó cùng hoà quyện làm cho không gian nơi đây thêm rộn ràng sức sống. Ở một góc giữa chợ, những người đàn ông đang quây quần bên chảo thắng cố, những bát rượu đang xếp thành hàng, thơm nồng lên mùi ngô nếp mới. Họ đang mừng nhau hái được một mùa lúa nặng bông, thêm một mùa ngô râu đã chắc hạt. Và họ cũng hẹn nhau, đến mùa sau sẽ đổi cho nhau những con ngựa nhanh, những con trâu khoẻ.

Ngày mai, khi con đường đất gồ ghề này được trải nhựa, ngôi bản nhỏ xa kia ánh điện sẽ chan hoà. Dòng sông mây sẽ được khoe mình trôi xa đến các phố phường. Tiếng gà gáy trên đỉnh Đá Kê sẽ vang xa, bay cao đến tận đỉnh trời. Những đứa con trai, con gái người Mông, người Dao trong bản của Giàng Seo Mùa sẽ bận bịu đón chào những cô bạn xa, những anh khách lạ đến đây từ khắp phương trời. Những ánh mắt thơ ngây của các em nhỏ không còn lạ lẫm trước những người khách mới. Rồi điệu khèn của nghệ nhân sẽ Giàng Seo Páo sẽ theo du khách bay đi khắp mọi miền.

Và một mùa xuân tươi xanh đang đến thật gần với bản nhỏ Vàng On yêu mến. Thêm yêu thương và quyến luyến mảnh đất cao, xa này./.

 

 (1) thôn Vàng On, xã Trung Minh, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang

Tác giả: Lê Quốc Thu- Ban Quản lý các khu du lịch tỉnh

Trung Minh, ngày 11/11/2021

Lê Thu - Phó Trưởng Ban Quản lý các khu du lịch tỉnh Tuyên Quang

BÌNH LUẬN