Làng chùa Bảo Ninh Sùng Phúc

Thứ ba, ngày 17-05-2022, 09:04
Trong một buổi sớm, những hạt mưa li ti phủ lên bầu trời một màu sáng bạc. Những ngọn lá, nụ hoa trên cây vối to đầu làng bừng tỉnh, bởi những tiếng gáy vang hồi của những chú trống choai. Từng búp lá non xanh đang rung rinh cùng những chùm nụ vối ngơ ngác, hé mắt đón những hạt bụi lơ thơ, hòa trong sương sớm của Làng Chùa. Những tiếng rì rào, lách tách khe khẽ của hàng vạn hoa lá, chim muông, cây cỏ cựa mình thức dậy rồi lan dần đến rặng núi. Tôi về làng chùa Bảo Ninh nằm ở xã Yên Nguyên của huyện miền quê Chiêm Hóa. Theo đường quốc lộ đến ngã ba Chiến thắng Cầu Cả, rẽ vào con đường nhỏ dọc theo những đám ruộng lúa xanh rì là vào giữa Làng Chùa. Nếu đã đến chợ Yên Nguyên, nhìn thấy cổng thôn Khuôn Khoai, đi theo con đường bê tông ngang qua cánh đồng là đã đến cổng Chùa. Ngay ở giữa làng là ngôi chùa Bảo Ninh Sùng Phúc, chùa đã xuất hiện ở đây gần một nghìn năm tuổi.

Tọa lạc trên gò đất Khuôn Khoai cao ráo, mặt trông về hướng Nam, phía trước Chùa là vườn vối và cánh đồng lúa rộng lớn, bằng phẳng kéo dài mãi về phía bên kia chân núi Đá Trắng, sang núi Tướng và đến núi Đồn.

Dòng suối Cả uốn lượn từ trên núi, chảy dọc theo làng, xuôi qua trước cửa chùa. Cả bốn mùa, cánh Đồng Vàng được trải lên một màu xanh của những mảnh ruộng, những đồng ngô xen lẫn những chấm tím, đốm vàng của những đám hoa cà, hoa cải giống như vuông khăn thêu của thiếu nữ Tày. Lác đác trên cánh đồng là những cây vối lớn, làn gió nhẹ đung đưa những cánh lá như vẫy gọi ai. Suối Cả khi chảy đến giữa đồng, dòng nước trong mát dâng lên, tràn qua bờ rồi vui đùa xô đuổi nhau dọc theo những con mương to, nhỏ. Mương nước như những bàn tay xòe ra, chuyển những làn nước trong mát ngập đến từng chân lúa. Buổi sớm, những cây lúa non vừa mới cấy đang giữ lại trên cánh lá những hạt sương sa lóng lánh.

Chùa Bảo Ninh Sùng Phúc nằm trên đồi Khuôn Khoai dưới chân rặng núi đá Đán Hán sừng sững và uy nghiêm. Cả dãy núi như hình cánh cung chạy dài, vững chãi chắn về hướng Bắc. Chùa quay về hướng Nam, nhìn xuống cánh đồng vối, phía xa là dòng suối Cả. Đứng đây là trông thấy dải núi đá liên hoàn như thế tay ngai, nơi này phong cảnh thật sơn thủy hữu tình.

Từ dưới cổng ngước lên là thấy mái chùa thấp thoáng hiện sau vòm lá xanh. Đi qua cổng Tam Quan, chậm rãi bước dọc theo từng bậc gạch là đến sân chùa. Chùa Bảo Ninh Sùng Phúc được xây dựng từ năm 1107, dưới thời Vua Lý Nhân Tông. Ngôi chùa được làm bằng gỗ với 5 gian, 2 chái, trên mái chùa được lợp bằng ngói mũi hài. Chùa được cấu trúc hài hòa, với “xà uốn cong cong ngỡ cầu vồng bắc nhịp; mái hiên xòe cánh như chim chóc tung bay” chùa mang đậm nét đặc trưng của kiến trúc thời nhà Lý.

Bước qua bậc cửa gỗ để vào chùa. Kính cẩn thắp nắm nhang lên điện Tam Bảo, nơi thờ Phật Thích Ca Mâu Ni. Bên trái điện là nơi thờ Thánh Mẫu và ban thờ họ Hà. Bên phải điện là ban thờ họ Lý. Mùi trầm hương nhẹ nhàng lan tỏa ra khắp các gian chùa, thật là nơi “Trầm hương nghi ngút, bốc tới trời mây; chuông khánh nhịp nhàng, vang lừng hang động”. Khép nhẹ đôi mắt, dành cho đôi tai để được hứng đầy những tiếng mõ, những nhịp gõ cốc cốc... đều đặn như đưa ta trở về trong cõi hư không. Trầm lặng, để thời gian đặc quánh cứ chậm chậm tan dần. Lặng im, để thấy cả thân thể ta bỗng nhẹ như sương, như khói, rồi tan chảy như đám băng trôi... Tiếng mõ như con sông cả, đưa dòng nước xuôi theo đời để về biển rộng. Xung quanh đây, không gian này thật bình an và tĩnh lặng.

Bên ngoài chùa, phía trái là gác chuông vững chãi. Quả chuông lớn được chạm khắc tinh xảo, neo mình trên giá gỗ với hình đầu rồng, chân nghê, thân giá chạm trổ đôi rồng chầu mặt nguyệt trông thật sống động. Giữa thân mình, núm chuông đồng sáng lên màu vàng, nổi lên trên nền rêu xanh thẫm.

Đang mải mê ngắm nghía chuông đồng, thấy bà Vãi đi qua, tôi liền hỏi:

- Vãi cho cháu hỏi, chuông được thỉnh vào thời gian nào?

Vãi trả lời:

- Chuông được thỉnh vào buổi sáng sớm và chiều tà cháu ạ.

- Vãi cho cháu thỉnh một hồi được không?

Nhìn tôi, bà nói:

- Ừ, cháu thỉnh ba tiếng nhé. Bà vừa hướng dẫn tôi cách thỉnh chuông. Rồi vãi chắp hai tay và niệm:

Lắng lòng nghe, lắng lòng nghe

Tiếng chuông huyền diệu đưa về nhất tâm

Đợi khi tiếng chuông ngân nhỏ xuống dần, vãi bảo tôi ra bàn ngồi uống nước và nói: Hôm nay cháu là người được ưu ái đấy. Vãi cười, rồi bảo, bà kể cho cháu nghe về tiếng chuông chùa. Tôi vui mừng và chăm chú nghe, vãi kể: “Người già bảo rằng: xưa kia ở đây gần một nghìn năm trước trong những buổi sớm hôm, lúc trời vừa tang tảng sáng, khi người và vạn vật đang còn chìm trong giấc ngủ, tiếng chuông chùa vang lên bay cao và ngân xa. Chuông chùa vụt qua những nóc nhà, gõ lên từng cánh cửa, tràn ra khắp cánh đồng và dội vang vào từng vách núi rừng… Tiếng chuông như sợi dây âm thanh đánh thức cả bản làng, thổi lên những bếp lửa, gọi những lũ chim muông, lay động những cây cỏ… rằng, một ngày mới bắt đầu. Ánh nắng mai xuyên qua lớp mây mù và chiếu sáng khắp Làng Chùa. Chiều về, chuông chùa lại ngân lên lúc mặt trời vừa xế bóng. Tiếng chuông gọi những đàn trâu đủng đỉnh sớm về chuồng, giục đàn gà con nhanh bám theo nách mẹ và xua lũ chim trời lượn bay về đỉnh núi. Nghe những tiếng chuông vang, từ trên những mái nhà sàn, làn khói nhẹ đã dần lan trên nóc. Ở giữa mỗi gian nhà những ngọn đèn dầu lạc đang bắt đầu tỏa sáng. Những người con trai đi rừng cũng kịp về đầu bản, những người con gái ở ngoài đồng đã trở về đến bếp lửa. Trời tối, cả Làng Chùa thấp thoáng những ánh lửa hồng hắt ra từ những nếp nhà sàn. Cứ thế, tiếng chuông nhắc nhở người già, đã đến ngày đầu tiên của tháng mới, đã đến hôm Tết gặt giữa năm để bản làng lên Chùa thắp hương thơm lễ Phật, để mọi nhà tưởng nhớ đến tổ tiên…”.

Bên phải chùa là tấm bia đá cổ. Đây là Di sản quý nhất của thời họ Lý, đã vượt qua bao thời gian thăng trầm của lịch sử, mà chùa Bảo Ninh Sùng Phúc còn lưu giữ được cho đến ngày nay. Tấm bia này tạc bằng đá xanh nguyên khối, được chạm khắc hình rồng, hoa sen với những nét hoa văn liên hoàn, uyển chuyển. Cả tấm bia được đứng trên lưng rùa đá. Trán bia hiện lên dòng chữ lớn: “Bảo Ninh Sùng Phúc tự bi”. Bia đá này đã có mặt ở đây từ gần một nghìn năm trước. Tấm bia như sợi dây đưa ta trở về miền quá khứ. Chạm vào đây là ta sẽ chìm vào dòng sông thời gian của lịch sử, được hòa mình trong không gian sống động xa xưa, thuở còn Thái phó Hà Hưng Tông - Tri châu Vị Long:

“… Kinh thay Thái phó Hà Hưng Tông, thủy tổ là người xóm Ca Nông, hương Thạch Bách, huyện Hà, thuộc Đông Đô, châu Ung, Cao tổ là Hà Đắc Trọng, xa nghe giáo hóa của vương triều, đời dời gót xin làm thần thú. Từ đó gìn giữ an toàn châu Vị Long này. Dân dã ấm no, người đời tôn trưởng. Cho đến đời thứ 8, kể cả tổ tiên xưa có hai đời làm Thái Bảo và Thái Phó… Ông của Thái phó giữ chức Thái bảo lấy công chúa thứ ba của Thái tổ hoàng đế làm phu nhân… Thái tổ trao cho chức Hữu đại liêu ban. Phu nhân sinh ra hàng cha chú của Thái phó, tất cả có bốn trai tài gái đảm… Thân phụ của Thái Phó lấy con gái thứ 6 của quan Thái thú họ Lý ở Phú Nghĩa làm phu nhân. Từ khi sinh ra… cha mẹ Thái Phó đều nuôi dạy ân cần... Con trai thì dùi mài kinh sử, con gái thì kim chỉ thêu thùa… thân phụ Thái phó được nhà vua ban chức hữu đại liêu ban đoàn huyện sử. Cấy cày theo phép tỉnh điền, thóc lúa ùn ùn như núi: khách khứa ba nghìn đông đúc, cửa nhà nhộn nhịp phố phường…” Dân bản ở đây được ấm no, đất nước được thanh bình “vườn văn rừng phú, sưu tập khắp nơi; cửa lễ đường nhân, dạo chơi đủ chốn”. Để tỏ chữ hiếu với tổ tiên, lòng hướng đạo phật “giữ lòng thanh làm của báu” Thái phó Hà Hưng Tông đã xây dựng ngôi chùa này, để mọi người đến nguyện cầu, cho mọi điều may mắn tốt lành. Bia đá khắc ghi, để lại giáo lý đạo Phật và công đức của dòng họ Hà.

Vào ngày Lễ Phật Đản (mồng 8/4 âm lịch), ngày lễ lớn tại Chùa, sau cử hành Đại Lễ, Tăng ni, Phật tử và du khách thiện nam, tín nữ gần xa tấp nập về đây dự Lễ. Lấy nước thơm “Mài trầm hương, hòa hương với nước đem tắm tượng Phật”. Dâng mâm lễ “Dùng bánh tròn tinh khiết để dâng cúng”. Lần lượt, từng người kính cẩn múc một muỗng nước thanh tịnh tưới xuống tượng Phật và chắp tay cầu nguyện cho phật pháp trường tồn, chúng sinh an lạc. Lễ tắm xong, tấm vải đỏ lau tượng cũng được xé nhỏ ra, chia ra cho mọi người mảnh nhỏ, để mang theo trên mình mong được phúc bình an. Ngày này người nông dân cũng cầu trời, xin mưa để lấy nước tắm Phật và cầu cho mưa thuận, gió hòa. Câu ca dao còn lưu truyền:

Mồng tám tháng Tư không mưa,

Vứt cả cày bừa mà lấp ruộng đi.

Tôi đang lan man thì bỗng ngoài sân chùa có tiếng lao xao, bà Vãi vội ra ngoài đón khách đến vãn cảnh chùa. Tưởng khách lạ, hóa ra đó là hậu duệ của dòng họ Hà.

Sau khi vào thắp hương lễ Phật và các bậc Tiền nhân, bà vãi mời hai bác ngồi nghỉ chân rồi nói với tôi: 

- Đây là bác Hà Phúc Mịch, người con của vùng quê Chiêm Hóa, bác cũng từng là Chủ tịch UBND của tỉnh và cũng là Tiến sỹ nông học đầu tiên của tỉnh nhà. Giờ bác  là Chủ tịch Hiệp hội Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam.

Bác Mịch cười, rồi vỗ vào vai người bên cạnh: Đây là chú Nguyễn Vũ Phan, cũng từng là người đứng đầu về ngành văn hóa của tỉnh. Hiện nay chú là nhà nghiên cứu về văn hóa, cũng là người tiến sỹ văn hóa đầu tiên của tỉnh ta đấy.

Tôi rót nước trà mời hai bác rồi hỏi:

- Hai bác Tiến sỹ đang nghiên cứu chung đề tài gì mới tại vùng đất này đấy ạ?

Bác Mịch “ừ” một tiếng rồi nói:

- Cái riêng, nhưng cũng là chung thôi. Tôi đang nghiên cứu thêm về thổ nhưỡng của cánh Đồng Vàng này, nếu đạt yêu cầu sẽ có hướng giúp bà con chuyển dần sang đất sản xuất nông nghiệp hữu cơ.

- Thế thì tuyệt quá bác ạ! Tôi mau mắn đáp lời. Rồi bác lại say sưa nói: Việc chuyển đổi từ đất sản xuất thông thường thế này - bác chỉ tay về phía trước - sang đất sản xuất nông nghiệp hữu cơ, theo tiêu chuẩn của nước ta và quốc tế phải mất từ 2 đến 3 năm, phải kiểm tra kỹ đất đai, thổ nhưỡng nếu đất có kim loại nặng thì cũng không chuyển đổi được đâu.

- Cánh Đồng Vàng này có được không ạ? - Tôi hỏi.

Bác Mịch từ tốn giải thích: Cánh đồng này là đất trầm tích có từ hàng trăm triệu năm rồi, đá bị phong hóa thành đất, đất lại biến thành bùn, cộng với điều kiện thủy văn dòng chảy của con suối Cả, quá trình bồi tụ lâu đời đã tạo ra vùng đất bằng phẳng, màu mỡ này đấy cháu ạ. Vùng này là đất sạch, nếu làm hết được thì rất tốt, còn vùng nào gần khu đô thị, khu công nghiệp, không khí bị ô nhiễm hay thải ra chất độc hại thì không sản xuất nông nghiệp hữu cơ được đâu.

- Dạ, giờ cháu mới biết đấy - tôi cười và đáp lời. Thấy chú Phan đang trầm ngâm tôi liền hỏi: Đề tài nghiên cứu của chú là gì vậy?

Nhìn tôi chú trả lời:

- Ngôi chùa và vùng đất này còn rất nhiều điều cần được làm sáng tỏ. Ngôi chùa cũng thuộc loại hình Di tích Khảo cổ học, cần được phục hồi để phát huy giá trị của Di tích chùa Bảo Ninh Sùng Phúc vô cùng quý giá này trong đời sống xã hội.

Tuy hai nhà nghiên cứu về hai ngành khác nhau, nhưng họ vẫn say sưa trao đổi với nhau về những cái riêng, nhưng lại rất chung về vùng đất linh thiêng, với nền văn hóa lâu đời của miền quê trù phú này. Tôi nghĩ, nơi đây sẽ là một địa chỉ hấp dẫn để du khách đến tham quan và tìm hiểu về lịch sử có từ hàng ngàn năm trên quê hương, đất nước thân yêu của tôi. Chia tay hai vị tiến sỹ, những người con ưu tú của Xứ Tuyên, ra khỏi chùa nhưng cảm giác lâng lâng, nhẹ nhàng, thanh thản vẫn xâm chiếm và đọng lại trong tâm hồn.

Gần buổi trưa, dạo một vòng quanh chợ để xem hàng hóa. Cũng như nhiều chợ của miền núi, ở đây bà con chủ yếu là bán hàng nông sản. Những thúng to chứa đầy gạo nếp, gạo tẻ, những hạt gạo bóng đẹp và ngon mắt. Bên cạnh là một dãy bày la liệt những bao ngô, khoai, sắn. Người mua, kẻ bán đi lại nhộn nhịp. Tiếng nói, tiếng cười vang lên từ phía góc chợ, nơi có dãy hàng ăn uống, khói từ những chiếc nồi to đang bốc lên nghi ngút. Vào một hàng bán gạo, tôi hỏi:

- Gạo này lấy ở đâu về mà nhiều thế, ăn có ngon không em?

- Gạo của cánh Đồng Vàng quê Yên Nguyên em trồng đấy, ăn vừa thơm, lại dẻo, bác mua cho em vài yến đi! - Một chị đáp.

Bốc một nắm gạo rồi từ từ thả xuống - đúng là gạo ở đây trắng và rất đều hạt. Tôi thầm nghĩ.

- Anh mua vài chục tấn một lúc, có đủ không? - Tôi hỏi đùa.

- Bác mua vài trăm tấn còn có, chứ vài chục tấn tụi em bán thường xuyên mà.

- Thật hả, trồng chỗ nào mà nhiều vậy?

Cô gái bụm miệng cười: Anh không biết thật hả, từ ngày cụ Bàn Hồng Tiên xây xong đập nước đã có nhiều lúa, gạo và ngô, khoai rồi. Bây giờ bà con trồng để bán nhiều anh ạ.

- À, ra vậy. Khi xưa cánh đồng này rất rộng nhưng chỉ trồng được một mùa lúa, mà chỉ có năm nào mưa thuận, gió hòa mới được gặt, cũng có nhiều năm bị mất mùa, bỏ hoang lau sậy mọc ngập cả đầu người. Con suối Cả chảy qua giữa cánh đồng rồi đổ ra ngòi Nhụng, nước chảy suốt quanh năm, nhưng suối lại sâu hơn ruộng. Trước đây đồng bào Dao chỉ phát nương, làm rẫy du canh, du cư. Từ ngày Nhà nước vận động người dân định canh, định cư để thoát cảnh đói nghèo, Bàn Hồng Tiên là người dân tộc Dao Tiền, ông cùng chính quyền kêu gọi bà con người Dao ở động Loong Coong, dưới chân núi Quạt đến định cư ở đất Đồng Vàng. Để đưa nước từ suối Cả lên đồng trên, người dân đã biết dùng chiếc cọn, nhưng cọn nước không đủ tưới cho cánh đồng xa, rồi cứ đến mùa nước lũ, những chiếc cọn lại bị nước cuốn trôi, mất bao công sức nhưng cũng không tưới được nhiều. Cuối cùng ông bảo, phải đắp cái phai (đập) thật to để nước nó đầy lên, cao bằng cái cọn để nước tự nó chảy vào ruộng. Nghĩ là vậy nhưng làm thì khó quá, cánh đồng thì rộng lớn, lau sậy lại um tùm, biết nước chảy vào chỗ nào để đắp. Rồi ông cũng mày mò, sáng chế ra một dụng cụ để đo thăng bằng, đó là lấy ống thuốc tiêm bằng thủy tinh, gắn vào ống tre thẳng đứng hoặc nằm ngang, hai ống trụ lồng vào nhau và có khớp điều chỉnh. Ống thủy tinh cân bằng cả hai trục đứng và nằm là thăng bằng. Đứng sau trục ngang nhìn ra xung quanh sẽ biết chỗ cao, chỗ thấp. Dụng cụ ấy tuy thô sơ nhưng vẫn đảm bảo độ cao, thấp của những đám ruộng. Từ đó ông đã cùng bà con đắp đập, đào con mương dẫn nước, mở mang, khai phá ruộng đồng. Nước suối Cả đã chứa chan đầy mặt ruộng, cánh Đồng Vàng bốn mùa luôn xanh tươi màu lúa.

Từ khi đắp đập và làm kênh tưới nước xong, bà con đã trồng được hai vụ lúa, khai hoang thêm nhiều mảnh ruộng trên cao. Có đập nước nên không bị mất mùa, cuộc sống của người Dao cũng mau trở nên khấm khá. Nhờ sự sáng tạo trong công việc xây dựng công trình thủy lợi đầu tiên tại quê nhà, năm 1967 ông đã được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động. Ông là người con yêu quý nhất của người Dao Tiền và cũng là người con Tuyên Quang đầu tiên được phong tặng danh hiệu cao quý này. Ông cũng góp sức để xã Yên Nguyên, nơi Ông sinh ra được phong danh hiệu Anh hùng Lao động.

Con đập kia, sau này đã được chính quyền xây dựng mới bằng bê tông vững chãi, những con kênh dẫn nước đã được kiên cố lại. Những vụ lúa ngày lại nặng thêm bông, những vườn ngô chắc hạt và những luống khoai thêm dày.

Tạm biệt mảnh đất trù phú của Làng Chùa, phía trước mặt là miền quê Chiêm Hóa, miền đất của những điều hứa hẹn.

L.Q.T

 

Lê Thu - Phó Trưởng Ban Quản lý các khu du lịch tỉnh Tuyên Quang

BÌNH LUẬN