THÔNG TIN DU LỊCH

KHU DU LỊCH TÂN TRÀO

MỘT SỐ THÔNG TIN VỀ ĐỊA ĐIỂM THAM QUAN, TRẢI NGHIỆM

TẠI KHU DU LỊCH TÂN TRÀO

1. CỤM DI TÍCH LÁN NÀ NƯA

LÁN NÀ NƯA: Đây là nơi Bác Hồ đã ở và làm việc từ cuối tháng 5 đến ngày 22/8/1945 để chuẩn bị và lãnh đạo cuộc tổng khởi nghĩa nghĩa cách mạng tháng Tám giành chính quyền trong cả nước.

Trên Khu rừng Nà Nưa còn có một số căn lán khác:

Lán họp Hội nghị cán bộ toàn quốc của Đảng diễn ra từ ngày 13 đến ngày 15-8-1945.

Lán cảnh vệ được coi là Tiền thân của Bộ tư lệnh cảnh vệ ngày nay.

Lán điện đài nơi ở và làm việc của tổ điện đài của Quân đồng minh cử sang để giúp đỡ ta về vô tuyến điện.

Lán Đồng Minh là nơi ở và làm việc của nhóm tình báo đặc biệt Mỹ có mật danh là "con nai" gồm có 5 người do thiếu tá Thô-mát chỉ huy.

 

 

2. DI TÍCH CÂY ĐA TÂN TRÀO VÀ LÀNG VĂN HÓA TÂN LẬP

        Cây đa Tân Trào

        Chiều ngày 16/8/1945, thi hành mệnh lệnh của Uỷ ban khởi nghĩa, lễ xuất quân được cử hành tại gốc đa Tân Trào. Gần 200 chiến sỹ quân giải phóng đứng thành hai hàng dọc từ cây đa xuống cây si, trước mặt là lá cờ đỏ sao vàng năm cánh bay phấp phới. Đồng chí Võ Nguyên Giáp, thay mặt Uỷ ban khởi nghĩa toàn quốc đọc bản Quân lệnh số 1 và hạ lệnh xuất quân. Lễ xuất phát kết thúc, quân giải phóng rầm rập lên đường, tiến sang Thái Nguyên để từ đó tiến về Hà Nội. Từ giờ phút đó cây đa Tân Trào trở thành một trong những biểu tượng của cách mạng tháng Tám, là nơi chứng kiến lễ xuất quân công khai đầu tiên của quân giải phóng Việt Nam, mà từ lễ xuất quân này đã làm nên nhiều chiến thắng thần kỳ của quân đội nhân dân Việt Nam sau này.

        Làng văn hóa Tân Lập: Trước đây còn gọi là Kim Long (rồng vàng) khi phong trào cách mạng phát triển mạnh mẽ làng Kim Long đổi tên thành làng Tân Lập (một nền độc lập mới). Làng Tân Lập nằm trong một thung  lũng  nhỏ, bốn bề  có núi rừng bao bọc. làng Tân Lập có một vị trí chiến lược quân sự, thuận tiện cho phong trào cách mạng phát triển. Từ vị trí chiến lược quan trọng này Tân Lập được chọn là: “Trung tâm thủ đô lâm thời  khu giải phóng”. Hiện nay trong làng có 2 ngôi nhà được công nhận là di tích lịch sử cấp tỉnh: Nhà ông Nguyễn Tiến Sự nơi Bác Hồ ở trong thời gian một tuần trước khi chuyển lên lán Nà Nưa và Nhà Ông Hoàng Trung Dân nơi đồng chí Võ Nguyên Giáp đã từng ở và làm việc.

        Hiện nay, Tân Lập có khoảng 200 hộ gia đình, trong đó chủ yếu là đồng bào dân tộc Tày, làng còn giữ được 34 ngôi nhà sàn cổ. Người dân trong làng Tân Lập ai cũng rất tự hào vì được sinh ra trên mảnh đất giàu truyền thống cách mạng,… Hiện làng có hơn 20 hộ dân làm du lịch cộng đồng.

        Làng Văn hóa Du lịch Tân Lập có thể phục vụ cùng lúc hàng trăm du khách có nhu cầu lưu trú tại những ngôi nhà sàn sạch sẽ, thoáng mát, ngăn nắp. Du khách đến đây còn được trải nghiệm các hoạt động như nướng cơm lam, giã bánh giày, làm bánh trứng kiến, đi xe đạp, giao lưu văn nghệ, đốt lửa trại, nhảy sạp và thưởng thức ẩm thực vùng chiến khu....

 

 

 

 

 

3. DI TÍCH ĐÌNH TÂN TRÀO

         Đình Tân Trào trước đây có tên là đình Kim Long, được dựng cách làng Kim Long. Đình dựng năm 1853. Lần trùng tu lớn nhất là năm Quý Hợi (1923), với lối kiến trúc theo kiểu nhà sàn miền núi, mái lợp lá cọ, xung quanh để trống.

         Đình Tân Trào còn có một giá trị lịch sử lớn: là nơi Bác Hồ và Trung ương Đảng đã quyết định chọn làm nơi họp Quốc dân đại hội ngày 16 và 17 tháng 8 năm 1945. Quốc dân đại hội đã quyết định toàn dân đoàn kết đứng lên vũ trang khởi nghĩa giành chính quyền, Lệnh tổng khởi nghĩa được thông qua, Uỷ ban dân tộc giải phóng Việt Nam (tức Chính phủ lâm thời) được thành lập do đồng chí Hồ Chí Minh làm Chủ tịch, Phó chủ tịch là đồng chí Trần Huy Liệu và 13 ủy viên.  Đại hội thống nhất quy định quốc hiệu, Quốc ca, Quốc kỳ của nước Việt Nam mới, lấy sao vàng năm cánh trên nền cờ đỏ làm lá cờ chung của cả nước, Quốc ca lấy bài hát Tiến quân ca của cố nhạc sỹ Văn Cao.

 

          4. KHU TƯỞNG NIỆM CÁC VỊ TIỀN BỐI CÁCH MẠNG

Công trình được khởi công xây dựng tháng 10 năm 2019, với diện tích gần 10.000m2, được xây dựng theo lối kiến trúc đền chùa truyền thống bao gồm nhiều công trình kiến trúc văn hóa như: Lầu trống, lầu Chuông, nhà trưng bày, nhà đón tiếp, nhà tưởng niệm.

Nhà tưởng niệm các vị tiền bối cách mạng được sắp xếp thành hai khu vực, tiền bái là không gian thờ các vị tiền bối cách mạng và khu vực hậu cung.

14 VỊ TIỀN BỐI CÁCH MẠNG: Tổng Bí thư Trường Chinh, Chủ tịch Tôn Đức Thắng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Hùng, đồng chí Hoàng Quốc Việt, đồng chí Nguyễn Lương Bằng, đồng chí Tố Hữu, Tổng bí thư Lê Duẩn, Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Thủ tướng Võ Văn Kiệt, Cụ Bùi Bằng Đoàn, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, đồng chí Hồ Tùng Mậu, đồng chí Lê Văn Lương.

 

            5. HỒ NÀ NƯA

          Hồ Nà Nưa nằm trong Khu di tích Quốc gia đặc biệt Tân Trào. Hồ nổi bật với phong cảnh thiên nhiên yên bình và thơ mộng. Du khách đến đây được tham gia hoạt động trải nghiệm “Bơi mảng nghe hát then”, check-in hoa rừng Việt Bắc, điểm check-in Khuôn Pén Ngàn hoa, trải nghiệm Ngâm chân lá thuốc dân tộc, chèo Sup, cắm trại, picnic dã ngoại, thưởng thức Cơm kháng chiến,…

 

 

 

 

 

BÌNH LUẬN