Các điểm tham quan du lịch khác
“...Dào dạt bến nước Bình Ca”
TQOL- Chúng tôi trở lại bến Bình Ca, bồi hồi nhớ câu thơ của Tố Hữu “Nắng chói sông Lô hò ô tiếng hát/Chuyến phà dào dạt bến nước Bình Ca”...
Đài tưởng niệm Chiến thắng Bình Ca
Bến Bình Ca, thuộc thôn Bình Ca, xã Vĩnh Lợi (Sơn Dương) nơi diễn ra chiến thắng Bình Ca lịch sử. Bảy mươi hai năm trước, Thu Đông năm 1947, khi giặc Pháp mở cuộc tiến công lớn vào chiến khu Việt Bắc, trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang đã diễn ra trận thắng đầu tiên trên mặt trận sông Lô đó là chiến thắng Bình Ca. Chiến thắng Bình Ca là một trong ba chiến thắng đầu tiên có tác dụng cổ vũ quân và dân Việt Bắc thi đua giết giặc lập công.
Chiến thắng Bình Ca có ý nghĩa quan trọng, bảo vệ vững chắc cửa ngõ phía Tây của An toàn khu, nơi Bác Hồ, Trung ương Đảng, Chính phủ đang ở để lãnh đạo cuộc kháng chiến toàn dân. Nằm ở vị trí có những tuyến đường chiến lược, mạch máu nuôi dưỡng các chiến dịch lớn chạy qua, Tuyên Quang là mục tiêu đánh phá của máy bay địch. Theo Lịch sử Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang (1940 - 1975), đảm bảo yêu cầu của tiền tuyến, theo chỉ thị của trên, tháng 7-1953, Tuyên Quang mở chiến dịch cầu đường, huy động 1.021.136 ngày công sửa chữa toàn bộ hệ thống đường dài 168 km. Dưới bom đạn, công nhân cầu phà vẫn phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, đảm bảo thông đường, thông phà trong thời gian ngắn nhất, kể cả những lúc cao điểm. Tính từ ngày 29-11-1953 đến ngày 7-5-1954 đã có 4.734 xe ô tô từ Thái Nguyên qua phà Bình Ca.
Đứng ở bến Bình Ca có thể nhìn sang địa phận xã Tiến Bộ (Yên Sơn) và xã An Khang (thành phố Tuyên Quang). Hai bên bờ sông, những nương ngô và cây ăn trái tươi tốt. Dưới Đài tưởng niệm Chiến thắng Bình Ca là ngôi nhà nhỏ của bà Nguyễn Thị Đông, năm nay đã 74 tuổi. Mắt mờ, chân chậm nhưng ngày ngày bà vẫn leo từng bậc thang hương khói, quét dọn cho di tích. Rồi cứ đến mùng 1, hôm rằm, bà Đông lại cẩn thận nấu cháo mang lên Đài tưởng niệm thắp hương cho các anh hùng liệt sỹ đã hy sinh cho trận chiến Bình Ca năm xưa. Công việc ấy, bà Đông đã làm đến nay ngót 20 năm. Ông Nguyễn Văn Thắng, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Bình Ca kể: “Khi Nhà nước xây Đài tưởng niệm Chiến thắng Bình Ca, bà Đông đã hiến cả quả đồi. Rồi khi thôn xây dựng nhà văn hóa, bà hiến hơn 2 vạn viên gạch. Tấm lòng của bà Đông với Đảng, Nhà nước, với những liệt sỹ đã ngã xuống cũng giống như nghĩa tình của người dân thôn Bình Ca này”.
Từ niềm tự hào về chiến thắng Bình Ca, người dân thôn Bình Ca hôm nay luôn một lòng đoàn kết, xây dựng cuộc sống ngày càng phát triển. Bình Ca là thôn dẫn đầu toàn xã Vĩnh Lợi về diện tích rừng trồng với diện tích trên 70 ha. Kinh tế của nhiều hộ trong thôn đi lên nhờ chăn nuôi và trồng rừng. Ông Nguyễn Văn Cần sinh ra và lớn lên ở bến Bình Ca này. Từ nhỏ ông đã nghe người già trong thôn, xã kể về chiến công ở bến Bình Ca. Những người dân như ông lớn lên trong niềm tự hào và luôn quyết tâm xây dựng cuộc sống đàng hoàng trong thời bình để xứng đáng với máu xương của lớp lớp thế hệ cha anh. Ông Cần hiện có trên 2 ha rừng và nuôi gần 400 con gà thịt. Thu nhập từ trồng rừng và chăn nuôi đã giúp cho gia đình ông kiến thiết nhà cửa khang trang.
Theo Trưởng thôn Nguyễn Văn Thắng, hiện nay, thôn chỉ còn 5 hộ nghèo. Thôn không có nhà tạm, dột nát. Tỷ lệ hộ dân có 3 công trình hợp vệ sinh đạt gần 90%. Thôn đang tiến hành phát động phong trào nhân dân xây dựng tuyến đường mẫu và chỉnh trang khuôn viên nhà ở theo Chương trình nông thôn mới. Đường bê tông liên thôn được đầu tư xây dựng 100%. Bình Ca cũng là thôn đi đầu trong xây dựng nhà văn hóa theo Nghị quyết số 03 của HĐND tỉnh.
Nhiều năm liên tục, thôn Bình Ca được công nhận là khu dân cư văn hóa. Phong trào xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế ở thôn Bình Ca đã lan tỏa sang nhiều thôn khác trong xã, nhất là phong trào trồng rừng. Hiện nay, toàn xã Vĩnh Lợi có trên 700 ha rừng trồng của nhân dân. Xã đã xây dựng và đưa vào sử dụng 14 nhà văn hóa thôn, bản. Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Lợi Nguyễn Đức Tính cho biết, phát huy truyền thống cách mạng, những năm qua, xã đã tập trung xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Đến nay, xã đạt 16/19 tiêu chí nông thôn mới.
Bình Ca hôm nay không chỉ là nơi đã ghi dấu chiến công đầu tiên mở đầu cho những chiến công rực rỡ trên sông Lô mà còn đang từng bước đổi thay nhờ tinh thần đoàn kết, một lòng đi theo Đảng, Bác Hồ của người dân nơi đây.
Nguồn: Theo Báo Tuyên Quang